TƯ LIỆU PHỤC VỤ CUỘC THI TRỰC TUYẾN TÌM HIỂU
“50 NĂM CHIẾN THẮNG BUÔN MA THUỘT, GIẢI PHÓNG TỈNH ĐẮK LẮK (10/3/1975-10/3/2025)
(Tuần thi thứ ba từ ngày 24/02/2025 đến hết ngày 28/02/2025)
-----
1. Đắk Lắk nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng-an ninh; Theo Niên giám thống kê tỉnh Đắk Lắk năm 2023, diện tích tự nhiên 13.070,41 km2, đứng thứ 4 cả nước. Dân số của tỉnh hơn 1,9 triệu người, với 49 thành phần dân tộc; tỉnh có 15 đơn vị hành chính cấp huyện. Sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025, tính đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 180 đơn vị hành chính cấp xã. Vị trí địa lý phía Bắc giáp tỉnh Gia Lai; phía Đông giáp các tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa; phía Nam giáp các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông; phía Tây giáp tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia với đường biên giới dài hơn 71 km. Vùng biên giới của tỉnh Đắk Lắk nằm trên địa bàn bốn xã gồm Ya Lốp, Ia R’vê, Ea Bung của huyện Ea Súp và xã Krông Na, huyện Buôn Đôn.
Theo Niên giám Thống kê tỉnh Đắk Lắk năm 2023, thành phố Buôn Ma Thuột có diện tích 377.10 km2, dân số hơn 390 nghìn người với 40 thành phần dân tộc. Sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2023-2025, đến nay TP. Buôn Ma Thuột có 19 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 11 phường và 8 xã).
2. Đầu năm 1974, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định chọn Buôn Ma Thuột làm hướng tấn công chủ yếu trong năm 1975 và lấy Buôn Ma Thuột làm mục tiêu của chiến dịch Tây Nguyên năm 1975. Việc chọn Buôn Ma Thuột có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng. Buôn Ma Thuột là thị xã lớn nhất của vùng Tây Nguyên, nằm trên trục đường 14, 21 thuận lợi cho việc phát triển chiến đấu ra các tỉnh Tây Nguyên, xuống duyên hải miền Trung và vào Nam Bộ. Buôn Ma Thuột có vị trí chiến lược quan trọng ở Nam Tây Nguyên nhưng lại nằm xa các trung tâm quân sự lớn, hạn chế sự chi viện của địch. Buôn Ma Thuột và vùng phụ cận có địa thế rất thuận lợi cho tác chiến hợp đồng binh chủng, địch bố trí binh lực ở đây có sơ hở hơn so với Pleiku và Kon Tum. Do đó, một trận đánh lớn ở Buôn Ma Thuột sẽ tạo sự rung động mạnh về chiến lược, làm đảo lộn thế phòng thủ của địch ở Tây Nguyên, uy hiếp đồng bằng ven biển miền Trung, mở ra hướng tiến công quan trọng vào Sài Gòn.
3. Tháng 2/1975, sau khi được phổ biến kế hoạch chiến lược của Trung ương, nhất là kế hoạch tiến công đánh chiếm Buôn Ma Thuột, Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã họp với Thường vụ Thị ủy Buôn Ma Thuột do đồng chí Ama H’Oanh làm Bí thư để cấp bách chuẩn bị công tác tham mưu chiến dịch. Tỉnh ủy phân công đồng chí Ama H’Oanh - Bí thư Thị ủy trực tiếp lập kế hoạch sử dụng lực lượng đảng viên và cơ sở cốt cán trong nội thị làm nòng cốt, đồng thời trực tiếp lựa chọn nhân sự thành lập Đội công tác chính trị để thâm nhập vào thị xã phát động quần chúng nổi dậy. Đội công tác chính được thành lập gồm 88 đồng chí là cán bộ các ban, ngành của tỉnh và một số huyện…
Sau quá trình chuẩn bị lực lượng, đúng 2 giờ 3 phút ngày 10/3/1975, từ các hướng quân ta nổ súng tấn công vào thị xã Buôn Ma Thuột. Đến trưa ngày 11/3/1975, ta đã giải phóng và làm chủ hoàn toàn thị xã. Sau khi đánh bại kế hoạch tái chiếm thị xã của địch, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo các huyện sử dụng lực lượng địa phương phát động quần chúng nổi dậy diệt ác, phá kềm, truy quét tàn quân địch. Đến ngày 24/3/1975, tỉnh Đắk Lắk hoàn toàn được giải phóng.
Trong cuốn sách “Chiến dịch Tây Nguyên đại thắng” do NXB Quân đội Nhân dân xuất ban năm 2004, cố Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo (Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên) viết: “Chiến thắng Buôn Ma Thuột đã giáng đòn điểm huyệt choáng váng, buộc quân địch phải rút bỏ Tây Nguyên, lực lượng tàn quân tháo chạy cũng bị tiêu diệt gọn. Chiến thắng Tây Nguyên mở đầu cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã tạo sức mạnh toàn diện mới. Điều quan trọng là nó đã tạo ra sự thay đổi cơ bản về tinh thần, tư tưởng về so sánh lực lượng, về thế chiến lược giữa ta và địch”.
4. Để nhanh chóng ổn định tình hình của tỉnh sau giải phóng, Đảng bộ và Uỷ ban nhân dân cách mạng tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo tập trung vào các nhiệm vụ: Khắc phục hậu quả chiến tranh; xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng và củng cố chính quyền các cấp; đấu tranh giải quyết vấn đề FULRO; ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Hơn một tháng sau giải phóng, ngày 24/4/1975 tại Thị xã Buôn Ma Thuột Ủy ban nhân dân cách mạng Thị xã Buôn Ma Thuột được thành lập, ra mắt trước đông đảo đại biểu nhân dân thay cho Ủy ban quân quản đã hoàn thành nhiệm vụ. Sự kiện này đánh dấu sự ra đời chính thức của Ủy ban nhân dân Thị xã, là dấu mốc quan trọng trong quá trình hình thành, xây dựng và trưởng thành của chính quyền cách mạng thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
5. Đồng chí Y Blôk Êban sinh năm 1921, tại buôn Čư Dluê, thị xã Buôn Ma Thuột (nay là thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), cán bộ Tiền khởi nghĩa, Anh hùng lực Lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Phó Bí thư Tỉnh uỷ- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk. Năm 1982, ông được thăng quân hàm Thiếu tướng, là vị tướng đầu tiên của đại ngàn Tây Nguyên. Với những cống hiến của mình, ông đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương Danh hiệu Anh hùng lực Lượng vũ trang nhân dân năm 2010 và được tặng nhiều phần thưởng cao quý khác. Cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của ông là sự phấn đấu liên tục, không mệt mỏi. Từ khi được giác ngộ cách mạng đến cán bộ các cấp đều tận tâm, tận lực phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.
6. Nhà đày Buôn Ma Thuột là một trong những Nhà đày lớn của thực dân Pháp ở Đông Dương, được thiết lập vào những năm 1930-1931 để giam cầm, đày ải và thủ tiêu tù chính trị - những chiến sĩ cộng sản, những người yêu nước ở các tỉnh Trung Kỳ sau cao trào Xô Viết nghệ Tĩnh. Trong thời gian từ năm 1930-1954, thực dân Pháp đã bắt, đày ải, giam cầm hàng nghìn cán bộ, đảng viên cộng sản, tù chính trị tại Nhà đày Buôn Ma Thuột. Nhà đày Buôn Ma Thuột ngày nay đã trở thành một địa danh lịch sử, nơi khắc sâu dấu ấn của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, đồng thời là một địa chỉ đỏ giáo dục tuyền thống yêu nước, cách mạng. Với những giá trị, ý nghĩa lịch sử to lớn của Nhà đày Buôn Ma Thuột, ngày 24/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1820/QĐ-TTg về việc xếp hạng Nhà đày Buôn Ma Thuột là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.
7. Từ ngày 13 đến 15-10-2020, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 được tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột, với chủ đề: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; giữ vững quốc phòng, an ninh; xây dựng Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên”. Năm 2025 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025; tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
8. Năm 2024, cùng với kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện trọng đại của đất nước, của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh (22/11/1904 - 22/11/2024). Đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, là dịp tỉnh để tổng kết, nhìn nhận, đánh giá, khẳng định những thành tựu đạt được qua 120 năm xây dựng và phát triển tỉnh Đắk Lắk. Qua đó, củng cố niềm tin, niềm tự hào, khích lệ, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Đắk Lắk, tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng, khát vọng đổi mới, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, xây dựng và phát triển tỉnh Đắk Lắk ngày càng giàu đẹp, văn minh, bản sắc, xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên.
9. Ngày 16/12/2019, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 67-KL/TW “về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; theo đó, xác địnhphương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045xây dựng là phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm và là cực tăng trưởng của vùng Tây Nguyên. Tập trung xây dựng Buôn Ma Thuột là “Thành phố cà phê của thế giới"; phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, nhất là dịch vụ liên quan đến ngành cà phê, trung tâm tài chính, trung tâm logistics…
Tại Kỳ họp thứ Tư, ngày 15/11/2022 Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 72/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Nghị quyết quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch; ưu đãi thu hút đầu tư; ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt.
10. Ngày 30/12/2023, Chính phủ ban hành Quyết định số 1747/QĐ-TTg "về Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”; theo đó, tỉnh Đắk Lắk đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2050 có “Quy mô kinh tế vươn lên đứng trong nhóm 25 tỉnh phát triển thịnh vượng đứng đầu cả nước”; tỉnh Đắk Lắk trở thành tỉnh có không gian sinh thái, bản sắc, kết nối sáng tạo, là điểm đến yêu thích, đáng sống. Người dân Đắk Lắk văn minh, thân thiện, hội nhập.
11. Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 sẽ được tổ chức vào thời gian từ ngày 09 - 13/3/2025 với chủ đề “Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới”. Với quy mô quốc gia và mang tầm nhìn quốc tế, các hoạt động Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 được kỳ vọng sẽ tạo nên một thế giới cà phê nhiều màu sắc, hương vị, không gian để tạo ra nhiều giá trị mới cho cà phê Buôn Ma Thuột và đưa cà phê Việt Nam tiếp tục tỏa sáng trên bản đồ thế giới.
12. Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại ngày 25/11/2005, sau được chuyển sang danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2008). Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên bao gồm các bộ phận cấu thành như: cồng chiêng, các bản nhạc tấu bằng cồng chiêng, những người chơi cồng chiêng, các lễ hội có sử dụng cồng chiêng, những địa điểm tổ chức các lễ hội đó… Từ sau khi được UNESCO công nhận, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã trở thành một điểm nhấn về văn hóa, du lịch, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung.
13. Theo Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/01/2024, toàn quốc có 29 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk có “Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai”, niên đại 4.000 - 3.000 năm cách ngày nay, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh được công nhận là bảo vật quốc gia. "Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai" gồm 250 hiện vật, trong đó có 200 mũi khoan hoàn chỉnh và 50 phác vật mũi khoan, được Bảo tàng Đắk Lắk phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia khai quật trong 2 năm (2021 - 2022) tại Di chỉ khảo cổ học Thác Hai (thôn 6, xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp). Tại Lễ kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đã trao Bằng công nhận Bảo vật quốc gia “Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” cho tỉnh Đắk Lắk.
14. Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có hai Vườn Quốc gia gồm: (i) Vườn quốc gia Yok Đôn nằm trên địa bàn huyện Buôn Đôn, Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) và huyện Cư Jút (tỉnh Đăk Nông) được phê duyệt theo quyết định số 352/CT ngày 29/10/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng với mục đích bảo vệ 58.200 ha hệ sinh thái rừng khộp đất thấp, được mở rộng theo quyết định số 39/2002/QĐ-TTg ngày 18/3/2002 của Thủ tướng Chính phủ. (ii) Vườn Quốc gia Yok Đôn có diện tích 115.545 ha với hệ sinh thái đặc trưng rừng khộp - đây là vườn quốc gia duy nhất ở Việt Nam bảo tồn loại rừng đặc biệt này. Vườn Quốc gia Chư Yang Sin được thành lập theo quyết định số 92/2002/QĐ-TTg ngày 12/7/2002 của Thủ tướng chính phủ, nằm trên địa bàn huyện Krông Bông và huyện Lắk. Tại đây có đỉnh núi Chư Yang Sin (2.442 mét) cao nhất hệ thống núi cao cực Nam Trung Bộ, với diện tích vào khoảng 59.000 ha, tính cả vùng đệm lên đến hơn 183.000 ha.
Vườn Quốc gia Yok Đôn và Chư Yang Sin là nơi bảo tồn các giá trị sinh thái và đa dạng sinh học cao với nhiều loài động, thực vật quý hiếm đã thu hút rất nhiều khách du lịch và các nhà nghiên cứu khoa học đến tìm hiểu, khám phá; đi đôi với công tác quản lý, bảo vệ rừng còn tổ chức nhiều hoạt động du lịch khám phá và giáo dục môi trường cho du khách.
15. Ngày 11/7/2022, UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt Quyết định ban hành “Bộ quy tắc ứng xử Người Đắk Lắk Văn minh - Thân thiện - Mến khách”. Đây là những quy tắc mang tính chuẩn mực nhằm định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách ứng xử văn minh, thân thiện, mến khách của người dân Đắk Lắk đối với việc tôn trọng và bảo vệ môi trường, tại nới công cộng, thư viện, bảo tàng, trường học, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo… Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về ứng xử, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, từng bước tạo được niềm tin, sự đồng thuận, thân thiện, mến khách của người dân Đắk Lắk đối với du khách đến sinh sống, học tập và tham quan du lịch tại tỉnh.
16. Đắk Lắk được mệnh danh là “thủ phủ” cà phê Việt Nam, bởi diện tích và sản lượng luôn đứng đầu cả nước. Nhiều năm qua, cà phê là nông sản chủ lực trong cơ cấu kinh tế, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm xã hội và kim ngạch xuất khẩu, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Đắk Lắk đạt 1.650 tỷ USD, trong đó cà phê là sản phẩm dẫn đầu với hơn 900 triệu USD, chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, với sản lượng xuất khẩu là 264.404 tấn. Cà phê của tỉnh hiện nay đã xuất khẩu đến hơn một trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tỉnh đang tập trung xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới.
17. Dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài gần 118km với tổng mức đầu tư là 21.935 tỷ đồng được tổ chức khởi công ngày 18/6/2023, tiến độ yêu cầu cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn vào năm 2026 và đưa vào khai thác đồng bộ năm 2027. Điểm đầu tại nút giao giữa Quốc lộ 26B và Quốc lộ 1, khu vực cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa); đi qua 5 huyện của tỉnh Đắk Lắk (Cư Kuin, Krông Pắc, Krông Bông, Ea Kar, M’Đrắk), điểm cuối giao cắt với đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía đông TP. Buôn Ma Thuột tại km12+450, thuộc địa phận xã Hòa Đông.
18.Những năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo nên sự thay đổi tích cực tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, hạ tầng được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng cao, mang lại niềm tin, sức sống mới cho cộng đồng. Tính đến hết năm 2024, tỉnh Đắk Lắk có 81/149 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 56,29% và 01 đơn vị cấp huyện hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, toàn tỉnh có 149 xã thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, giảm 02 xã (gồm: xã Ea Blang, thị xã Buôn Hồ; xã Hòa Tân, huyện Krông Bông) so với Nghị quyết của tỉnh đề ra do thực hiện sáp nhập theo Nghị quyết số 1193/NQ-UBTVQH15 ngày 28/9/2024 của UBTVQH về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2023-2025, sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Đắk Lắk có 149 xã.
19. Ngày 19/02/2025, HĐND tỉnh Đắk Lắk tổ chứcKỳ họp Chuyên đề lần thứ 17 thông qua các Nghị quyết quan trọng nhằm kịp thời triển khai các chủ trương, quyết sách của Trung ương và của tỉnh. Theo đó, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung một số chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Theo nghị quyết này, 6 chỉ tiêu có sự thay đổi so với nội dung UBND tỉnh đã báo cáo vào kỳ họp HĐND cuối năm 2024, cụ thể: Tổng sản phẩm xã hội phấn đấu đạt 68.425 tỷ đồng, tăng 642 tỷ đồng, tốc độ tăng thêm 1% so với chỉ tiêu trước đó; thu ngân sách nhà nước phấn đấu đạt 9.550 tỷ đồng (tăng 550 tỷ đồng); GRDP bình quân đầu người khoảng 81,7 triệu đồng (tăng 0,7 triệu đồng); tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1.860 triệu USD (tăng 160 triệu USD)… so với các chỉ tiêu đặt ra trước đó.