TƯ LIỆU PHỤC VỤ CUỘC THI TRỰC TUYẾN
TÌM HIỂU “50 NĂM CHIẾN THẮNG BUÔN MA THUỘT, GIẢI PHÓNG TỈNH ĐẮK LẮK (10/3/1975-10/3/2025)”
(Tuần thứ nhất từ ngày 10/02/2025 đến hết ngày 14/02/2025)
-----
1. Đắk Lắk nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng-an ninh. Theo Niên giám thống kê năm 2023 diện tích tự nhiên 13.040,41 km2, đứng thứ 4 cả nước; dân số của tỉnh có hơn 1,9 triệu người, với 49 thành phần dân tộc; tỉnh có 15 đơn vị hành chính cấp huyện (01 thành phố là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, 01 thị xã và 13 huyện). Sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025, tính đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 180 đơn vị hành chính cấp xã. Vị trí địa lý phía Bắc giáp tỉnh Gia Lai; phía Đông giáp các tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa; phía Nam giáp các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông; phía Tây giáp tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia với đường biên giới dài hơn 71 km.
2. Cuối năm 1940 do tình hình cách mạng đòi hỏi, một số chiến sĩ cộng sản trung kiên tại Nhà đày Buôn Ma Thuột bí mật họp bàn, thống nhất thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản. Sự ra đời chi bộ Đảng đầu tiên có ý nghĩa quan trọng đối với phong trào cách mạng của tỉnh: Thống nhất sự lãnh đạo của Đảng trong Nhà đày. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, các chiến sỹ cộng sản đã kế thừa, phát triển về tổ chức, hình thức đấu tranh của các thời kỳ trước đó, trên một quy mô rộng lớn và quyết liệt hơn, mục tiêu đấu tranh cũng cụ thể và cao hơn, đem lại kết quả lớn hơn.Từ Chi bộ cộng sản đầu tiên đã gieo mầm, tạo những hạt giống đỏ đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk. Là nhân tố quyết định đến thắng lợi trong cuộc vận động giải phóng dân tộc, góp phần đưa Cách mạng Tháng Tám - 1945 tới thành công ở Đắk Lắk.
3. Trước diễn biến của tình hình cách mạng, ngày 19/8/1945, tại số nhà 57 Lý Thường Kiệt, thị xã Buôn Ma Thuột, Ban lãnh đạo lâm thời của tỉnh triệu tập hội nghị khẩn cấp, quyết định thời điểm giành chính quyền ở cấp tỉnh. Ngày 22/8/1945, Ban lãnh đạo lâm thời tỉnh họp Hội nghị mở rộng, Hội nghị quyết định tổng khởi nghĩa ở thị xã Buôn Ma Thuột và cả tỉnh vào ngày 24/8/1945.
Vào 15 giờ ngày 24/8/1945, cuộc mít tinh giành chính quyền diễn ra trọng thể tại sân vận động thị xã Buôn Ma Thuột. Tham dự mít tinh có lực lượng vũ trang của các đồn điền, nhân dân lao động trong và ngoài thị xã, thanh niên, học sinh, viên chức, nhân sỹ trí thức các dân tộc và toàn bộ lực lượng bảo an binh có vũ trang khoảng 500 binh lính. Đặc biệt, hơn 3.000 đồng bào các dân tộc Êđê, Mnông, Gia Rai từ các buôn làng ven thị xã. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân các dân tộc Đắk Lắk thành công rực rỡ, nhân dân trong tỉnh phấn khởi, hân hoan đón chào Cách mạng tháng Tám thành công.
4. Trước diễn biến phức tạp của tình hình cách mạng, thực hiện sự chỉ đạo của Khu ủy V và Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Khu Trung Trung bộ, ngày 4/2/1973, đồng chí Huỳnh Văn Cần, Bí thư Tỉnh ủy đã ký Quyết định thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời và đề ra bốn nhiệm vụ để Ủy ban phối hợp với các ngành, đoàn thể hoạt động. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời gồm 10 đồng chí, do đồng chí Y BlốK Êban làm chủ tịch.
5. Tháng 10/1974, nhận định tình hình trong nước và quốc tế có những chuyển biến có lợi cho cách mạng, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhất trí thông qua phương án chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công có ý nghĩa chiến lược trong năm 1975. Ngày 5/2/1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng thay mặt Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh tuyên bố thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên. Theo đó, đồng chí Hoàng Minh Thảo, Phó Tư lệnh Quân khu 5 được chỉ định làm Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên. Từ ngày 17 đến ngày 19/2/1975, Bộ Tư lệnh chiến dịch họp mở rộng, xác định phương án tác chiến chính thức của chiến dịch là: tập trung lực lượng chủ yếu vào khu vực Buôn Ma Thuột, Đức Lập, Thuần Mẫn, tiêu diệt địch, giải phóng địa bàn. Mục tiêu then chốt quyết định của chiến dịch là Buôn Ma Thuột.
Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975 đã mở màn thắng lợi cho chiến dịch Tây Nguyên, tạo bước ngoặt lịch sử , thúc đẩy nhanh tiến trình của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, với đỉnh cao là thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp, nhận định thắng lợi to lớn có ý nghĩa chiến lược của ta đánh dấu một bước rất mới trong cục diện chung, một bước suy sụp mới của chính quyền và quân đội Sài Gòn. Bộ Chính trị hạ quyết tâm chuyển cuộc tiến công chiến lược thành cuộc tổng tiến công chiến lược, hoàn thành giải phóng miền Nam trong năm 1975.
Cùng ngày18/3/1975 tại Đắk Lắk, Ủy ban quân quản thị xã Buôn Ma Thuột do đồng chí Y Blốk Êban, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh, làm Chủ tịch ra mắt trước 300 đại biểu nhân dân tại Đình Lạc Giao. Ủy ban quân quản tập trung ổn định tình hình trật tự trị an trong thị xã, xuất kho gạo cấp phát cho dân, tiến hành xây dựng chính quyền cơ sở.
6. Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Buôn Ma Thuột đã đồng sức, đồng lòng, vượt mọi khó khăn, gian khó, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để xây dựng TP. Buôn Ma Thuột ngày càng phát triển, từng bước trở thành một đô thị trung tâm của tỉnh Đắk Lắk, đóng vai trò quan trọng trên nhiều mặt đối với vùng Tây Nguyên. Ghi nhận những thành tích rất đáng tự hào đó, Trung ương đã công nhận thị xã Buôn Ma Thuột trở thành TP. Buôn Ma Thuột và là đô thị loại III vào năm 1995, đô thị loại II vào năm 2005, đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào năm 2010.
Ngày 27-11-2009, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 60-KL/TW với mục tiêu xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên giai đoạn 2010-2020. Sau 10 năm thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, thành phố Buôn Ma Thuột đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trên cơ sở đó ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Kết luận số 67-KL/TW về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
7. Ngày 26/11/2003, Quốc hội nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Nghị quyết số 22/2003/QH11 về việc chia tách và điều chỉnh địa giới một số tỉnh. Theo đó, tỉnh Đắk Lắk được chia tách thành hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Sau khi tách tỉnh, Đắk Lắk có diện tích tự nhiên 13.125,37 km2 với dân số 1.666.854 người. Toàn tỉnh có 13 huyện, thành phố: thành phố Buôn Ma Thuột, các huyện Krông Búk, Ea Kar, Krông Ana, Ea Súp, Buôn Đôn, Lắk, M’Đrắk, Krông Pắc, Ea H’Leo, Krông Bông, Cư M’gar, Krông Năng; với 165 đơn vị hành chính cấp xã.
Đến hết năm 2024, tỉnh Đắk Lắk có 15 đơn vị hành chính cấp huyện (bao gồm thành phố Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ và các huyện: Cư M’gar, Krông Búk, Ea H’Leo, Krông Năng, Krông Pắc, Ea Kar, M’Đrắk, Krông Bông, Lắk, Cư Kuin, Krông Ana, Buôn Đôn, Ea Súp), 180 đơn vị hành chính cấp xã.
8. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 được tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột từ ngày 13 đến 15/10/2020. Trên cơ sở kiểm điểm, đánh giá tình hình, căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, phương hướng trong những năm 2020-2025, Đại hội đãxác định 3 Khâu đột phá là: Đẩy mạnh cải cách hành chính; Tập trung phát triển nguồn nhân lực; Quan tâm đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại”.
9. Ngày 07/12/2023, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Nghị quyết số 34/2023/NQ-HĐND Quy định chính sách ưu đãi; tiêu chí xác định đối tượng chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt trong các lĩnh vực cần thu hút làm việc tại các cơ quan chuyên môn và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Theo đó:
- Về chế độ tiền lương và chế độ phúc lợi, hỗ trợ ban đầu chỉ áp dụng một lần và cho lần ký hợp đồng đầu tiên với mức tối đa 500 triệu đồng đối với các chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt được tuyển chọn.
- Về tiền lương, đối với hợp đồng lao động, chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt được ký hợp đồng lao động với mức lương tối đa 50 triệu đồng/người/tháng. Mức lương này bao gồm tiền lương hằng tháng, các khoản phụ cấp kèm theo lương (nếu có), các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các loại bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật.
10. Đắk Lắk được mệnh danh là “thủ phủ” cà phê Việt Nam, có diện tích và sản lượng đứng đầu cả nước. Nhiều năm qua, cà phê là nông sản chủ lực trong cơ cấu kinh tế, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm xã hội và chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Hiện nay, Đắk Lắk đang xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà-phê thế giới. Với diện tích khoảng 210.000 hecta, hàng năm tỉnh thu hoạch đạt hơn 500.000 tấn cà phê, chiếm trên hơn 30% sản lượng cà phê cả nước. Cà phê của Đắk Lắk đã xuất khẩu sang khoảng 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
11. Năm 2005, UBND thành phố Buôn Ma Thuột kết hợp cùng Công ty cà phê Trung Nguyên tổ chức lần đầu Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột. Theo đó, định kỳ 2 năm lễ hội được tổ chức một lần vào các ngày tháng 3 sau Tết âm lịch. Lễ hội được tổ chức nhằm mục đích tôn vinh cây cà phê, qua đó phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả về kinh tế của ngành cà phê nói chung và cà phê Đắk Lắk nói riêng; đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu cho thương hiệu “Cà phê Buôn Ma Thuột” với bạn bè trong nước và quốc tế. Đồng thời, lễ hội cũng là lời tri ân đến người nông dân địa phương đã chung tay tạo nên những sản phẩm cà phê chất lượng. Với những ý nghĩa to lớn đó, năm 2011 Festival Cafe Buôn Ma Thuột được Thủ tướng Chính Phủ công nhận là lễ hội cấp Quốc gia. Đến nay, qua 08 lần tổ chức, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã trở thành một sự kiện nổi bật của ngành cà phê Việt Nam, có ảnh hưởng lớn và để lại ấn tượng tốt đẹp đối với người dân, du khách trong nước và quốc tế.
12. Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có 02 trường Đại học (Đại học Tây Nguyên, Đại học Y dược Buôn Ma Thuột) và 02 phân hiệu đại học (Đại học Đông Á, Đại học Luật Hà Nội):
Trường Đại học Tây Nguyên được thành lập theo Quyết định số 298/CP ngày 11/11/1977 của Hội đồng Chính phủ với nhiệm vụ đào tạo cán bộ có trình độ đại học phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội toàn vùng Tây Nguyên. Trường Đại học Buôn Ma Thuột được thành lập theo Quyết định số 1450/QĐ-TT, ngày 19/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ; đến năm 2022, Trường Đại học Buôn Ma Thuột đổi tên thành Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột, đánh dấu bước chuyển mới trong việc đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao.
Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk được thành lập theo Quyết định số 310/QĐ-BGDĐT ngày 12/02/2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phân hiệu Trường Đại học Đông Á tại Đắk Lắk được thành lập theo Quyết định số 3186/QĐ-BGDĐT ngày 26/10/2022 của Bộ GD-ĐT nhằm góp phần đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tỉnh Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.
13. Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại ngày 25/11/2005, sau được chuyển sang danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2008). Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên bao gồm các bộ phận cấu thành như: cồng chiêng, các bản nhạc tấu bằng cồng chiêng, những người chơi cồng chiêng, các lễ hội có sử dụng cồng chiêng, những địa điểm tổ chức các lễ hội đó… Từ sau khi được UNESCO công nhận, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã trở thành một điểm nhấn về văn hóa, du lịch, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung.
Ngoài ra, hiện nay toàn tỉnh có 4 di sản được ghi danh vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Khan (sử thi) của người Êđê; Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ mừng thọ của người M’nông huyện Lắk; Ngữ văn dân gian Lời nói vần của người Êđê huyện Cư M’gar; Tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường tỉnh Đắk Lắk.
14. Bộ Quy tắc ứng xử người Đắk Lắk Văn minh - Thân thiện - Mến khách được ban hành kèm theo Quyết định số 1524/UBND-QĐ, ngày 11/7/2022 của UBND tỉnh Đắk Lắk. Đây là cẩm nang hướng dẫn cách ứng xử trong gia đình, dòng họ, cộng đồng nơi cư trú, nơi công cộng, trên không gian mạng; đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hoá con người Đắk Lắk văn minh, thân thiện, mến khách. Qua đó, góp phần xây dựng tỉnh Đắk Lắk kinh tế phát triển, văn hoá đặc sắc, xã hội văn minh và người dân hạnh phúc.
15. Ngày 18/6/2023, Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột được tổ chức. Dự án có tổng chiều dài gần 118km với tổng mức đầu tư là 21.935 tỷ đồng, tiến độ yêu cầu cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn vào năm 2026 và đưa vào khai thác đồng bộ năm 2027. Điểm đầu tại nút giao giữa Quốc lộ 26B và Quốc lộ 1, khu vực cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa); đi qua 5 huyện của tỉnh Đắk Lắk (Cư Kuin, Krông Pắc, Krông Bông, Ea Kar, M’Đrắk), điểm cuối giao cắt với đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía đông TP. Buôn Ma Thuột tại km12+450, thuộc địa phận xã Hòa Đông.
16. Công tác quản lý, bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk luôn được quan tâm, chỉ đạo kịp thời. Toàn tỉnh hiện có 44 di tích đã được cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 02 di tích quốc gia đặc biệt, 18 di tích quốc giavà24 di tích cấp tỉnh. Tiếp tục triển khai Quyết định 2615/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngành văn hóa và các đơn vị, địa phương đã và đang phối hợp lập hồ sơ khoa học để đầu tư, bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích nhằm phát huy những giá trị tinh thần, giá trị giáo dục, đưa các di tích lịch sử trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc của các tầng lớp nhân dân.
17. Lễ hội sầu riêng huyện Krông Pắc lần thứ I năm 2022 với chủ đề “Nâng tầm sầu riêng Krông Pắc”, diễn ra từ ngày 01 - 03/9/2022, tại Trung tâm thị trấn Phước An và một số xã trên địa bàn huyện Krông Pắc. Đây là lần đầu tiên huyện Krông Pắc tổ chức lễ hội sầu riêng với mục đích quảng bá hình ảnh quê hương, con người, tiềm năng đất đai, kinh tế huyện Krông Pắc đến với du khách trong và ngoài nước; qua đó giới thiệu các sản phẩm đặc thù riêng của huyện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và du lịch trên địa bàn; tôn vinh những giá trị kinh tế từ các loại cây đặc sản chất lượng cao, đặc biệt là sầu riêng; tạo cơ hội giao thương giữa người trồng, nhà sản xuất, chế biến sản phẩm từ trái cây và người tiêu dùng.
18. Năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục duy trì phát triển. Việc thực hiện Nghị quyết nhiệm vụ năm 2024 đạt được những kết quả tích cực. Quy mô nền kinh tế cơ bản ổn định, duy trì mức khá và các khu vực đều có tăng trưởng so với cùng kỳ. Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP giá so sánh năm 2010) ước đạt 63.249 tỷ đồng, tăng 4,38% so với năm 2023, đứng đầu khu vực Tây Nguyên. GRDP theo giá hiện hành ước đạt 141.326,49 tỷ đồng, bằng 105,72% KH, tăng 16,7% so với năm 2023. Cùng với đó, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt 72,8 triệu đồng/người, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Kim ngạch Xuất khẩu đạt 1.650 triệu USD, bằng 103,1% KH, tăng 10,3%; nhập khẩu đạt 500 triệu USD, bằng 476,2% KH, tăng 41,6%. Diện mạo của tỉnh có nhiều đổi thay tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.
19. Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, TP. Buôn Ma Thuột đã triển khai đồng bộ các giải pháp, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của Nhân dân và sự đồng thuận, ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp trong xây dựng nông thôn mới. Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình của thành phố giai đoạn 2011-2020 gần 35.897 tỷ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp hơn 868 tỷ đồng. Kết quả, TP. Buôn Ma Thuột có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; Thành phố Buôn Ma Thuột được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020 theo Quyết định 770/QĐ-TTg ngày 24/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Đến cuối năm 2024, thành phố Buôn Ma Thuột có 5/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
20. Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên được khánh thành và chính thức đưa vào hoạt động tháng 02/2019 trên đường Trần Quý Cáp, phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột. Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên là bệnh viện lớn và hiện đại nhất khu vực Tây Nguyên với 38 khoa, phòng, 800 giường bệnh, nhiều trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tỉnh Đắk Lắk nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung và một số tỉnh lân cận.