TƯ LIỆU PHỤC VỤ CUỘC THI TRỰC TUYẾN TÌM HIỂU
“50 NĂM CHIẾN THẮNG BUÔN MA THUỘT, GIẢI PHÓNG TỈNH ĐẮK LẮK (10/3/1975-10/3/2025)”
(Từ ngày 17/02/2025 đến hết ngày 21/02/2025)
-----
1. Cuối năm 1940, một số chiến sĩ trung kiên trong Nhà đày Buôn Ma Thuột đã bí mật họp bàn, thống nhất thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản. Với các ký hiệu và tên gọi khác nhau, Chi bộ được tổ chức hoạt động và phát triển đảng viên theo Chính cương, Điều lệ Đảng và tự xác định và tự xác định phải thực hiện các nhiệm vụ: (i) Là hạt nhân tổ chức và lãnh đạo toàn thể tù nhân đấu tranh bảo vệ quyền lợi vật chất và tinh thần của tù chính trị, là lực lượng nòng cốt duy trì, củng cố các tổ chức của tù nhân. (ii) Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ cho Đảng, chuẩn bị lực lượng cán bộ lãnh đạo phong trào quần chúng khi thoát khỏi cảnh lao tù. (iii) Tìm cách liên lạc để tổ chức vận động cách mạng ở thị xã Buôn Ma Thuột. (iv) Tổ chức các cuộc vượt ngục, đưa cán bộ về cho Đảng. Bồi dưỡng lý luận cách mạng và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng cho những người sắp hết hạn tù để trở ra hoạt động cách mạng.
Sự kiện thành lập chi bộ Cộng sản đầu tiên ngày 23/11/1940, đánh dấu sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, nhân tố quyết định làm nên thắng lợi của cuộc khởi nghĩa trong Cách mạng tháng Tám 1945 ở Đắk Lắk, giành chính quyền về tay nhân dân. Đến nay, qua 85 năm xây dựng và trưởng thành, được sự quan tâm thường xuyên của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ trong bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng và đạt nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
2. Vào cuối tháng 5/1945, chi bộ đầu tiên được thành lập tại Thị xã Buôn Ma Thuột dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Trọng Ba. Một thời gian sau, lực lượng đảng viên mới tiếp tục được phát triển trên nhiều vùng của thị xã và một chi bộ mới cũng được thành lập. Việc ra đời của hai chi bộ Cộng sản đầu tiên này có ý nghĩa rất lớn đối với phong trào cách mạng tại chỗ, thúc đẩy nhanh quá trình chuẩn bị thực lực để tiến tới vũ trang khởi nghĩa. Ngay sau khi thành lập, các chi bộ củng cố lại những cơ sở nòng cốt mà lâu nay móc nối được để thành lập các tổ chức cứu quốc.
3. Ngày 23/9/1945, tỉnh bộ Việt Minh Đắk Lắk quyết định thành lập Ban Quân sự tỉnh Đắk Lắk, nòng cốt là tiểu đoàn giải phóng quân, lấy tên là Tiểu đoàn Nơ trang Lơng. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt quan trọng cho sự ra đời, phát triển, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng vũ trang tỉnh. Sau này, thể theo nguyện vọng của cán bộ, chiến sỹ LLVT tỉnh Đắk Lắk, ngày 14/11/2006, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 ra Quyết định số 489/QĐ-QK, lấy ngày 23/9/1945 trở thành Ngày Truyền thống LLVT tỉnh Đắk Lắk.
Cuối tháng 6-1946, một số tỉnh Tây Nguyên bị địch chiếm đóng, trước đòi hỏi cấp thiết của tình hình cách mạng Phân ban Quốc dân thiểu số chủ trương thành lập Tiểu đoàn quốc dân thiểu số Khu 6. Tháng 7-1946, Tiểu đoàn quốc dân thiểu số được thành lập, biên chế 3 đại đội trong đó có 2 đại đội là người dân tộc thiểu số thuộc tỉnh Đắk Lắk, tiểu đoàn mang tên Tiểu đoàn N’Trang Lơng, Khu 6 đã tăng cường cho tỉnh Đắk Lắk Trung đoàn 79. Để thống nhất lực lượng, cuối tháng 12-1946, Bộ Chỉ huy Khu 6 quyết định sáp nhập Tiểu đoàn N’Trang Lơng vào Trung đoàn 79 thành Trung đoàn 84, sau được lấy tên là Trung đoàn N’Trang Lơng. Đây là trung đoàn địa phương đầu tiên của tỉnh, có nhiệm vụ củng cố chính quyền cơ sở, xây dựng căn cứ chiến đấu, phát triển dân quân, kết hợp giữa bộ đội tỉnh với dân quan du kích tổ chức đánh phá giao thông, trại lính và đồn điền địch.
4. Tháng 7/1967, tại Đắk Lắk Thường vụ Khu ủy V và Đảng ủy Quân khu quyết định tập trung ba thứ quân, mở đợt tấn công liên tục cả Xuân và Hè năm 1968 để tiêu diệt địch, giành chính quyền về tay nhân dân. Tháng 11/1967, Mặt trận Tây Nguyên họp liên tịch với 3 tỉnh Tây Nguyên bàn kế hoạch phối hợp, tấn công và nổi dậy, lập ban chỉ huy các hướng, có các đồng chí bí thư các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk tham gia, xác định trọng điểm của đợt tấn công ở Tây Nguyên là thị xã Buôn Ma Thuột và Kon Tum. Theo kế hoạch của Trung ương, Tỉnh ủy Đắk Lắk tổ chức họp bàn kế hoạch khẩn trương chuẩn bị các mặt cho đợt hoạt động, tập trung vào chiến trường trọng điểm là Buôn Ma Thuột. Tháng 1/1968, Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương chủ trương mở Cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt trong Tết Mậu Thân nhằm tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận quân đội, chính quyền Việt Nam Cộng hòa; tiêu diệt, đánh vào các cơ quan đầu não của Mỹ, buộc Mỹ xuống thang chiến tranh, chịu ngồi đàm phán với ta.
5. Năm 1973, tại cuộc họp chuẩn bị cho chiến cuộc 1975 diễn ra tại Hà Nội, Thiếu tướng Hoàng Minh Thảo (sau này là Thượng tướng, Viện trưởng Viện Chiến lược Quân sự, Bộ Quốc phòng) đã đề xuất với Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp chọn tiến công Buôn Ma Thuột làm đòn điểm huyệt, mở màn khi tổ chức chiến dịch tại Tây Nguyên và được Đại tướng tán thành.
Cuối năm 1974, cục diện chiến trường miền Nam chuyển biến mạnh mẽ, lực lượng cách mạng miền Nam liên tiếp giành nhiều thắng lợi, làm cho thế và lực của quân đội Sài Gòn ngày càng lúng túng và suy yếu. Trong bối cảnh đó, từ ngày 18/12/1974 đến ngày 8/1/1975, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị nhằm đánh giá tình hình địch, ta ở chiến trường miền Nam. Sau khi phân tích và nhận định thời cơ, Bộ Chính trị hạ quyết tâm “Nếu thời cơ đến vào đầu năm hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”. Cùng thời gian này, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định chọn Buôn Ma Thuột làm hướng tấn công chủ yếu trong Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975 (mang mật danh A 275).
6. Ngày 18/3/1975, Ủy ban quân quản thị xã Buôn Ma Thuột do đồng chí Y Blốk Êban, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh, làm Chủ tịch ra mắt trước 300 đại biểu nhân dân tại Đình Lạc Giao. Ủy ban quân quản tập trung ổn định tình hình trật tự trị an trong thị xã, xuất kho gạo cấp phát cho dân, tiến hành xây dựng chính quyền cơ sở.
7. Công tác định canh, định cư, xây dựng và mở rộng vùng kinh tế mới được Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk chú trọng và coi đó là một nhiệm vụ chính trị cấp thiết có tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lẩn thứ IX (vòng II) diễn ra từ ngày 05 - 09/3/1983 đã xác định “đến năm 1985, phải cơ bản giải quyết xong vấn đề định canh, định cư cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh”. Ngày 05/3/1983, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 03-NQ/TU cũng nêu rõ “Đến năm 1985 phải hoàn thành một bước cơ bản công cuộc định canh, định cư đối với đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Đặt công tác định canh, định cư thành một nhiệm vụ chính trị, coi đó là một khâu then chốt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng của tỉnh trong những năm tới”.
8. Nằm trên vòng xoay Ngã Sáu ở trung tâm TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột là công trình mang tính biểu tượng của thành phố. Tượng đài được xây dựng và hoàn thành năm 1996, tác giả là nhà điêu khắc Vũ Ngọc Thành. Tượng đài được tạo hình mô phỏng chiếc nỏ – loại thứ vũ khí tuy thô sơ mà đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng đã sử dụng trong cuộc sinh tồn cũng như bảo vệ buôn làng. Dưới cánh cung của chiếc nỏ là chiếc xe tăng T54 số hiệu 980 huyền thoại do Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy được đắp bằng bê tông theo đúng kích thước thật. Công trình tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột qua thời gian chính là “chứng nhân” mạnh mẽ cho sự lột xác của thành phố Buôn Ma Thuột.
9. Ngày 21/1/1995, Chính phủ ra Nghị quyết số 08/CP về việc thành lập thành phố Buôn Ma Thuột gồm 9 phường, 5 xã, diện tích tự nhiên là 26.985,7ha với 219.333 nhân khẩu. Ngày 6/3/1996, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về “Xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột phát triển toàn diện”. Nghị quyết xác định “Thành phố Buôn Ma Thuột là tỉnh lỵ, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, xây dựng thành phố phát triển vững mạnh toàn diện sẽ tạo động lực rất quan trọng, có tác động lớn đến sự phát triển của các địa phương khác trong tỉnh. Phải với tinh thần cả tỉnh vì thành phố, thành phố vì cả tỉnh”, xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột phát triển về mọi mặt, sớm trở thành đô thị lớn của tỉnh và của khu vực…
Đến năm 2005, thành phố Buôn Ma Thuột được Trung ương công nhận là đô thị loại II, đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào năm 2010. Ngày 27-11-2009, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 60-KL/TW với mục tiêu xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên giai đoạn 2010-2020. Ngày 16/12/2019, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 67-KL/TW về “Xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Theo đó, xác định phương hướng phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành đô thị trung tâm và là cực tăng trưởng của vùng Tây Nguyên.
10. Từ ngày 13 đến 15-10-2020, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 được tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột, với chủ đề “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; giữ vững quốc phòng, an ninh; xây dựng Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên”. Trên tinh thần “Đoàn kết-Dân chủ-Kỷ cương-Đổi mới-Phát triển”, Đại hội đã tập trung trí tuệ, đề ra những quyết sách quan trọng để lãnh đạo thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020-2025.
11. Ngày 07/12/2023, Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết 34/2023/NQ-HĐND về Quy định chính sách ưu đãi; tiêu chí xác định đối tượng chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt trong các lĩnh vực cần thu hút làm việc tại các cơ quan chuyên môn và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Trong đó, quy định 05 lĩnh vực cần thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt gồm: Công nghệ thông tin, Nông nghiệp công nghệ cao; Dịch vụ du lịch; Quy hoạch đô thị; Xây dựng, hoạch định chính sách công.
12.Ngày 30/12/2023 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1747/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Theo đó, tỉnh Đắk Lắk đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2050 có “Quy mô kinh tế vươn lên đứng trong nhóm 25 tỉnh phát triển thịnh vượng đứng đầu cả nước”. Quy hoạch xác định mục tiêu phát triển đến năm 2030 là nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của Nhân dân đạt mức trung bình khá của cả nước trên cơ sở phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, bản sắc văn hóa các dân tộc; tỉnh Đắk Lắk trở thành điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.
13. Ngày 28/9/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1193/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2023 – 2025. Theo đó, đối với đơn vị hành chính cấp xã thuộc TP. Buôn Ma Thuột, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Thắng Lợi vào phường Thành Công, phường Thống Nhất vào phường Tân Tiến. Sau khi sắp xếp, TP. Buôn Ma Thuột có 19 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 11 phường và 8 xã. Đối với đơn vị hành chính cấp xã thuộc TX. Buôn Hồ: Điều chỉnh diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Ea Blang nhập vào xã Ea Siên. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Ea Blang còn lại sau khi điều chỉnh vào xã Ea Drông. Sau khi sắp xếp, TX. Buôn Hồ có 11 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 7 phường và 4 xã. Đối với đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Krông Bông: Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Hòa Tân vào xã Hòa Thành. Sau khi sắp xếp, huyện Krông Bông có 13 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 12 xã và 1 thị trấn. Đối với đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Ea Súp: Điều chỉnh diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Ia Rvê để nhập vào xã Ia Lốp. Sau khi sắp xếp, huyện Ea Súp có 10 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 9 xã và 1 thị trấn.
Như vậy, sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, tính đến ngày 01/11/2024, tỉnh Đắk Lắk có 15 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 13 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố); 180 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 149 xã, 18 phường và 13 thị trấn).
14. Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần đầu tiên được tổ chức vào năm2005, năm 2011 được Thủ tướng Chính phủ công nhận là lễ hội cấp Quốc gia. Đến nay, qua 08 lần tổ chức, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã trở thành một sự kiện nổi bật của ngành cà phê Việt Nam, là dịp để các doanh nghiệp ngành Cà phê đẩy mạnh xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu; tôn vinh những cống hiến thầm lặng của người trồng cà phê. Lễ hội có ảnh hưởng lớn và để lại ấn tượng tốt đẹp đối với người dân, du khách trong nước và quốc tế, góp phần xây dựng hình ảnh thành phố Buôn Ma Thuột là “Thành phố cà phê của thế giới”.
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 với Chủ đề “Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới” sẽ được tổ chức vào thời gian từ ngày 09-13/3/2025 tại thành phố Buôn Ma Thuột và một số địa phương trong tỉnh. Lễ hội là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10/3/1975-10/3/2025).
15. Theo Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ, toàn quốc có 29 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk có “Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai”, niên đại 4.000 - 3.000 năm cách ngày nay, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh được công nhận là bảo vật quốc gia. "Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai" gồm 250 hiện vật, trong đó có 200 mũi khoan hoàn chỉnh và 50 phác vật mũi khoan, được Bảo tàng Đắk Lắk phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia khai quật trong 2 năm (2021 - 2022) tại Di chỉ khảo cổ học Thác Hai (thôn 6, xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp).
16. Tỉnh Đắk Lắk hiện có 02 di tích Quốc gia đặc biệt gồm Nhà Đày Buôn Ma Thuột và Di tích Bến phà Sêrêpốk (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn)thuộc hệ thống Di tích lịch sử Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh.
- Nhà Đày Buôn Ma Thuột được xây dựng thời kỳ 1930-1931 với mục đích đày biệt xứ và giam giữ những người yêu nước, những đảng viên cộng sản bị bắt, bị xử án nặng ở các tỉnh Trung Kỳ. Nhà đày Buôn Ma Thuột là minh chứng hùng hồn về tội ác của thực dân, đế quốc; một địa danh lịch sử, nơi khắc đậm dấu ấn của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam; một địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ ở Đắk Lắk nói riêng, cả nước nói chung. Với ý nghĩa đó, ngày 24/12/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1820/QĐ-TTg xếp hạng Nhà đày Buôn Ma Thuột là Di tích quốc gia đặc biệt.
- Di tích Bến phà Sêrêpốk (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn)thuộc hệ thống Di tích lịch sử Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là nơi ghi dấu những chiến công vẻ vang, sự hy sinh gian khổ của cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 4 và Trung đoàn 574, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 470, Bộ đội Trường Sơn nói chug, lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, dân quân tự vệ địa phương tỉnh Đắk Lắk nói riêng đã kiên cường bám trụ xây dựng Bến ngầm, Bến phà, bảo vệ trọng điểm, bảo vệ đường, đảm bảo giao thông thông suốt trên bến phà Sêrêpôk trong những năm chống Mỹ cứu nước.Ngày 9/12/2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận Bến phà vượt sông Sêrêpốk là di Di tích quốc gia đặc biệt.
17. Hiện nay, hệ thống quốc lộ qua địa bàn Đắk Lắk có 7 tuyến với tổng chiều dài đang khai thác là 732,55 km gồm: đường Hồ Chí Minh; đường Trường Sơn Đông; Quốc lộ 26; Quốc lộ 29; Quốc lộ 27; Quốc lộ 14C; Quốc lộ 19C. Mạng lưới đường địa phương với tổng chiều dài 18.895,18 km. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, mạng lưới giao thông đường bộ địa phương trên địa bàn tỉnh được đầu tư khá hoàn chỉnh, thông suốt từ TP. Buôn Ma Thuột đến các huyện, thị xã và các xã trong tỉnh; cơ bản đáp ứng được nhu cầu phục vụ vận chuyển hàng hóa, hành khách của nhân dân. Tuy nhiên, so với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội thì mạng lưới giao thông đường bộ tại Đắk Lắk vẫn còn một số hạn chế như mặt đường chật hẹp, hư hỏng, xuống cấp, nhất là các tuyến quốc lộ…
18. Tỉnh Đắk Lắk hiện nay có 01 Khu công nghiệp và 09 Cụm công nghiệp. Tại Khu công nghiệp Hòa Phú, lũy kế đến nay tổng số dự án đăng ký đầu tư trong KCN Hòa Phú là 59 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 5.956 tỷ đồng. Có 52 doanh nghiệp đăng ký đầu tư, trong đó có 39 doanh nghiệp đang hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 4.600 lao động; doanh thu năm 2024 của các doanh nghiệp trong KCN đạt 4.198 tỷ đồng.Tại các cụm công nghiệp (gồm Tân An 1, Tân An 2, Ea Ral, Ea Lê, Krông Búk 1, Ea Đar, M’Đrắk, Hòa Sơn, Cư Kuin) có 175 dự án đầu tư và đã có chủ trương đầu tư với tổng số vốn đăng ký ban đầu khoảng 7.000 tỷ đồng. Các dự án đang hoạt động tại các cụm công nghiệp giải quyết việc làm cho hơn 7.000 lao động tại địa phương.
19. Trong năm 2024, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP giá so sánh năm 2010) đạt 63.249 tỷ đồng, tăng 4,38% so với năm 2023. Quy mô nền kinh tế cơ bản ổn định, duy trì mức khá và các khu vực đều có tăng trưởng so với cùng kỳ. Trong 16 chỉ tiêu chủ yếu năm 2024 có 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra gồm GRDP bình quân đầu người đạt 72,8 triệu đồng/người (kế hoạch 68.8 triệu đồng/người); tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1.650 triệu USD, tăng 10,3% so với năm 2023; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 105.000 tỷ đồng, tăng 4,96%.
Năm 2024, ngành nông nghiệp Đắk Lắk tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng và toàn diện. Trong đó, giá trị sản xuất gia tăng ở nhiều mặt hàng, góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Giá cả các mặt hàng nông sản ở Đắk Lắk luôn duy trì ở mức cao. Giá cà phê, hồ tiêu có thời điểm liên tục thiết lập đỉnh giá mới góp phần tăng thu nhập cho người dân, doanh nghiệp, tạo cơ hội gia tăng giá trị sản phẩm. Nông lâm nghiệp và thuỷ sản đạt hơn 23.450 tỷ đồng, tăng 4,52% so với cùng kỳ, vượt 0,65% kế hoạch. Nông sản của Đắk Lắk đã xuất khẩu đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, đóng góp gần 42% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
20. Từ ngày 20-24/11/2024, UBND TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Lễ công bố 4 xã trên địa bàn thành phố đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023 gồm xã Ea Kao, Cư Êbur, Ea Tur và Hòa Thắng. Như vậy, đến thời điểm hiện tại TP. Buôn Ma Thuột có 5/8 xã được công nhận nông thôn mới nâng cao. Trước đó, xã Hòa Thuận là địa phương đầu tiên của thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2021. Để đạt được những kết quả tích cực trong xây dựng nông thôn mới, thành phố Buôn Ma Thuột đã giành nguồn lực để đầu tư các hệ thống điện, đường, trường, trạm, hạ tầng giao thông. Hiện, thành phố đang tiếp tục nâng cao chất lượng trong công tác xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tăng cường sự tham gia của người dân, mở rộng các mô hợp tác xã, các chuỗi liên kết, đặc biệt là các chuỗi sản phẩm chủ lực như cà phê, sầu riêng, tiêu và các cây công nghiệp có giá trị cao…
21. Công cuộc cải cách hành chính, chuyển đổi số là phục vụ nhân dân tốt hơn, thời gian qua, thành phố Buôn Ma Thuột triển khai sâu rộng nhiệm vụ, lấy sự hài lòng của người dân làm mục tiêu. Năm 2024, Thành uỷ, UBND thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo xuyên suốt, toàn diện gắn với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội; ban hành các kế hoạch, các văn bản chỉ đạo, điều hành về CCHC, tập trung giải quyết những vấn đề cụ thể, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong CCHC. Năm 2024 cũng là năm thứ 2 liên tiếp, thành phố Buôn Ma Thuột đứng đầu về Cải cách hành chính và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
22. Ngày 18/6/2023, Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột được tổ chức. Dự án có tổng chiều dài gần 118km với tổng mức đầu tư là 21.935 tỷ đồng, tiến độ yêu cầu cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn vào năm 2026 và đưa vào khai thác đồng bộ năm 2027. Điểm đầu tại nút giao giữa Quốc lộ 26B và Quốc lộ 1, khu vực cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa); đi qua 5 huyện của tỉnh Đắk Lắk (Cư Kuin, Krông Pắc, Krông Bông, Ea Kar, M’Đrắk), điểm cuối giao cắt với đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía đông TP. Buôn Ma Thuột tại km12+450, thuộc địa phận xã Hòa Đông